Tết là dịp đoàn viên, những người con xa quê trở về, những người trong gia đình cùng nhau tận hưởng không khí ấm áp tình thân cũng như thưởng thức những bữa ăn ngon và ấm cúng. Bên cạnh sự khác biệt về phong tục, văn hoá, vị trí địa lý mà nền ẩm thực của mỗi miền cũng mang nét khác biệt. Ở Việt Nam, vào ngày Tết Nguyên Đán, mỗi vùng miền lại có một mâm cỗ mang nét đặc trưng riêng. Sau đây, hãy cùng Hoaqua.org tìm hiểu về những món ăn Tết miền Bắc không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam nhé!
1. Những món ăn Tết miền Bắc đậm đà hương vị truyền thống
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất cuảngừoi Viêt. Theo phong tục xưa, vào ngày Tết, các thành viên trong gia đình sum họp, đi chúc Tết người thân, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và quây quần cùng sửa soạn mâm cơm cúng tổ tiên.
Ở nước ta, mỗi vùng miền lại có một mâm cỗ ngày Tết mang nét khác biệt. Chính cái khác biệt tinh tế ấy đã tạo nên một nét văn hoá ẩm thực ngày Tết phong phú và đa dạng chỉ có tại Việt Nam. Tuỳ vào phong tục, văn hoá từng vùng miền mà mâm cơm Tết có những điểm khác biệt. Trong văn hoá ẩm thực của người Hà Nội xưa vẫn luôn ưa chuộng về mặt hình thức nên mâm cơm ngày Tết cần phải được chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ, tinh tế và bày biện, trang trí đẹp mắt. Theo quan niệm của người miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết thường có 6 bát 6 đĩa để tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc. Mâm cơm ngày tết này cũng thể hiện cho sự mong muốn ấm no, hạnh phúc trong năm mới. Trải qua các thời kỳ khác nhau, những món ăn Tết miền Bắc trong mâm cỗ Tết vẫn giữ được bản sắc văn hoá ẩm thực cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
1.1. Bánh chưng, bánh dày
Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời. Vì thế mà đây là 2 món ăn Tết miền Bắc không thể thiếu trong mâm cỗ. Bánh chưng được coi là linh hồn của ngày Tết và là loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hoá ẩm thực Việt Nam. Sự kết hợp hài hoà giữa gạo nếp, đậu xanh ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã tạo nên một hương vị ngày Tết không thể lẫn đi đâu được. Kết hợp với cái mềm dẻo thơm mùi nếp của bánh giày đã tạo nên thứ bánh ngon tròn vị.
Với ý nghĩa mong muốn một năm mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sôi, nảy nở, 2 món bánh này đã trở thành món ăn truyền thống vào ngày Tết. Và từ lâu, bánh chưng và bánh dày ở mỗi gia đình miền Bắc đã trở thành nét văn hoá đẹp, được gìn giữ qua bao thế hệ. Và cái khung cảnh ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh chưng cũng đã đi vào tiềm thức, trở thành mảng ký ức không thể quên trong tâm trí của người dân Bắc Bộ khi Tết đến.
Tham khảo thêm: Bánh cốm đậu xanh – đặc sản thơm ngon đậm chất Hà Nội xưa
1.2. Nem rán
Món ăn Tết miền Bắc gần như không thể thiếu trong mâm cơm Tết của người miền Bắc phải kể đến nem rán. Nem rán là món ăn độc đáo và hấp dẫn, được coi là “quốc hồn quốc tuý” của người Việt. Nó đã góp phần giúp hương vị ngày Tết thêm trọn vẹn, tròn vị hơn. Bên ngoài màu vàng óng, bên trong là nhân thịt, mộc nhĩ, nấm hương, miến khiến ai cũng phải say mê. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị giòn tan, đậm đà gia vị và cảm nhận được cái hương vị truyền thống của ẩm thực Việt Nam. Mọi nguyên liệu cho món ăn Tết này hoà quyện với nhau tạo nên món ăn Tết đặc trưng, gây thương nhớ với bất cứ người con đất Việt nào. Ngày nay, mặc dù có nhiều loại nem như nem hải sản, nem rán chay, nem hàu… nhưng món nem rán truyền thống vẫn là một thứ không thể thay thế trong lòng người dân miền Bắc.
1.3. Dưa hành
Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành là một món ăn không thể thiếu trong những món ăn Tết miền Bắc. Đây là món ăn dân dã, giản dị với cách làm cũng không quá cầu kỳ. Nguyên liệu chính cho món ăn này chính là hành củ và thực hiện theo phương pháp lên men vi sinh. Với vị chua cay nhẹ nó rất thích hợp để ăn kèm với bánh chưng hay thịt đông. Đây chắc chắn sẽ là món ăn chống ngán hữu hiệu nhất cho những ngày Tết ăn nhiều món dầu mỡ. Cho dù cuộc sống sẽ luôn thay đổi nhưng chắc hẳn Việt Nam còn tết thì sẽ còn bánh chưng và dưa hành đồng hành cùng những ngày Tết của những người con đất Bắc.
Tham khảo thêm: Món ăn đặc trưng của người Hoa trong dịp Tết ở Việt Nam
1.4. Gà luộc
Gà luộc là món ăn đã quá quen thuộc trong những dịp đặc biệt của người miền Bắc, từ cỗ đám cưới, đám hỏi đến mừng thọ, tân gia. Và dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền cũng không ngoại lệ. Người dân Bắc Bộ luôn tin rằng gà mang đến sự may mắn, khởi đầu thuận lợi cho một năm mới. Một món ăn tuy đơn giản nhưng chứa đựng bao nét đẹp văn hoá, tinh tế trong ẩm thực Việt. Gà luộc chín tới sẽ có màu vàng, không bị rách da, màu sắn đẹp mắt. Vị thơm ngon, ngọt của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm với muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên. Không chỉ có trong mâm cơm cúng tổ tiên trong nhà, gà luộc còn là món không thể thiếu trong mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời.
1.5. Giò lụa
Giò lụa cũng là một món ăn Tết miền Bắc dường như chắc chắn phải có. Với ý nghĩa “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”, giò lụa đã trở thành một phần không thể thiếu của ẩm thực Việt. Món ăn này được làm từ thịt lợn giã nhuyễn trong cối đá và gói bằng lá chuối rồi luộc chín. Những miếng giò trắng mịn, thơm mùi thịt và hạt tiêu không chỉ là món ăn ngon mà còn có thể dùng để tặng cho bạn bè, người thân.
Tham khảo thêm: Xuân đậm vị với những đồ ăn vặt Tết thơm ngon dưới đây
1.6. Canh măng khô
Các món ăn Tết miền Bắc ngoài món thịt, món bánh, món ăn kèm thì cũng không thể thiếu được những bát canh nóng hổi, đậm đà hương vị truyền thống. Ngày Tết nơi đây thường không thể thiếu được món canh măng khô. Nồi canh măng nấu cùng chân giò là một món ăn thường thấy của người dân miền Bắc và của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Món canh này có hương vị gần gũi, bình dị với vị măng khô dai giòn hoà quyện với chút béo của thịt chân giò. Hoặc có thể nấu măng khô với xương sườn, nước xương hầm ngọt thịt ăn xong khiến ai cũng ghiền. Canh măng khô đã trở thành nét văn hoá truyền thống của người Việt từ xa xưa với thói quen ăn những món ăn có nguồn gốc từ thiên nhiên như măng, khoai. Đối với hầu hết người dân miền Bắc, thiếu đi canh măng khô thì mâm cơm ngày Tết thiếu đi nét đặc trưng của ngày Tết.
2. Lời kết
Các món ăn Tết miền Bắc đều chứa đựng hương vị tinh tế, phù hợp với tiết trời se lạnh. Những món ăn này là nét đẹp truyền thống, là cái gì đó rất thiêng liêng trong lòng mỗi người con đất Bắc. Nó cũng chính là nỗi nhớ khôn nguôi, lấp đầy khoảng trống của những người con xa nhà. Với những món ăn này, Tết dù ở đâu xa thì bạn vẫn sẽ cảm nhận được hơi ấm gia đình, thấy được phần nào cái Tết quê hương.
Bạn hãy tạo cho gia đình chút hân hoan và ấm áp của không khí ngày xuân bằng cách vào bếp trổ tài làm những món ăn trên nhé! Chúc bạn thành công!