Văn hoá ẩm thực Việt Nam 3 miền: những giao thoa và khác biệt

Ẩm thực không chỉ đơn thuần là ăn no, ăn ngon mà còn phản ánh những đặc trưng riêng của quốc gia đó, vùng miền đó. Cùng chung trên dải đất hình chữ S, ẩm thực 3 miền Bắc – Trung – Nam có những điểm giống nhau nhưng cũng có những nét đa dạng, phong phú riêng bởi sự khác biệt văn hoá, phong tục tập quán. Chính những sự giao thoa và sự khác biệt đầy tinh tế ấy đã góp phần tạo nên bản sắc riêng cho nền văn hoá ẩm thực Việt Nam từ bao đời. Sau đây hãy theo chân Hoaqua.org tìm hiểu nét độc đáo trong văn hoá ẩm thực Việt Nam 3 miền nhé!

1. Nét tương đồng của ẩm thực Việt Nam 3 miền

Ẩm thực Việt Nam được đánh giá là mang tính độc đáo, hoang dã nhưng lại vô cùng tinh tế. Theo dòng lịch sử, ẩm thực Việt Nam 3 miền vốn đã được hình thành theo những phương thức riêng dựa trên nền tảng vốn có. Văn hoá ẩm thực 3 miền Việt Nam chịu ảnh hưởng về phong tục, tập quán, thói quen, địa lý,… Vì thế mà qua 3 miền Bắc – Trung – Nam trải qua sự khác nhau về địa lý, thổ nhưỡng, phong tục tập quán,… ẩm thực nước ta đã hình thành nên những nét giống và khác nhau.

Chế biến

Do đều xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước, nên trong bữa ăn bình thường hay các ngày lễ đặc biệt, mâm cơm của người Việt không thể thiếu được cơm trắng. Các món ăn Việt Nam cũng chủ yếu đến từ rau củ quả khác thành đạm. Khi chế biến thức ăn, người Việt thường sử dụng nước mắm, hạt tiêu, cùng các gia vị thiên nhiên để tạo hương vị. Các loại rau củ phụ trợ như gừng, nghệ, tỏi, hành, sả, rau thơm thay vì dùng gia vị khô.

Ưu tiên tính ngon miệng

Nói đến văn hoá ẩm thực Việt Nam, thế giới sẽ nghĩ ngay đến những món ăn ngon, độc đáo và lạ miệng hơn là tính bổ dưỡng. Với người Việt, ăn ngon thường được đặt lên hàng đầu rồi mới nghĩ đến thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các món Việt không bổ dưỡng. Có thể thấy, món Việt thường ít có sự chế biến quá cầu kỳ, công phu. Nhưng với nguồn nguyên liệu phong phú mà thiên nhiên ban tặng, những con người Việt Nam với bàn tay khéo léo đã tạo nên những món ăn hài hoà, lạ miệng và đầy dinh dưỡng.

Đậm đà hương vị

Một điểm chung mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam nữa là ở sự đậm đà hương vị khi thưởng thức. Việt Nam là quốc gia nổi tiếng với các loại mắm. Trong những bữa ăn hàng ngày của người Việt thường có bát nước chấm đi kèm. Khi chế biến món ăn, người Việt thường sử dụng nước mắm để nêm nếm. Nhờ vậy mà các món ăn vừa đậm đà hương vị vừa thơm ngon khó cưỡng.

van-hoa-am-thuc-viet-nam-1

Tham khảo thêm: Những đặc sản làm nên các món ăn đặc sắc ẩm thực vùng cao

Hạn chế các món mỡ

Một trong những đặc điểm chung của ẩm thực Việt Nam là hầu hết các món ăn đều hạn chế sử dụng các loại dầu mỡ, chất béo. Thay vào đó, những món ăn đa phần sử dụng rau củ, không dùng nhiều nguyên liệu thịt như các nước phương Tây.

2. Nét đặc trưng riêng của ẩm thực 3 miền Việt Nam 

Đi từ những cái chung, bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam có sự phân chia rõ ràng với hương vị khác nhau theo từng vùng miền. Nếu miền Bắc là sự thanh đạm, nhẹ nhàng thì đến miền Trung là cái cay nồng không thể hòa lẫn và cuối cùng kết thúc bởi những ngọt ngào, dân dã của các món ăn Nam Bộ.

Ẩm thực miền Bắc – nhẹ nhàng và tinh tế

Văn hóa ẩm thực Việt Nam được tạo nên trước hết từ ẩm thực miền Bắc. Văn hóa ẩm thực miền Bắc là nguồn gốc xuất xứ của món ăn Việt. Nói đến con người Bắc Bộ thì sẽ nghĩ ngay đến nhưng quy cũ, sự ôn hòa và truyền thống. Chính điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến ẩm thực miền Bắc. Khẩu vị của người miền Bắc từ xa xưa đã được coi là chuẩn mực bởi được sàng lọc kỹ lưỡng từ bao đời.

Mặc dù có sự tiếp nhận từ nền ẩm thực của các nước khác nhưng hương vị rất riêng trong các món ăn của người miền Bắc không hề mất đi. Có rất nhiều những món ăn truyền thông, luôn được người dân nơi đây gìn giữ cẩn thận như phở Hà Nội, bún thang, nem, bánh cuốn Phủ Lý,… Trong những ngày lễ Tết hay thờ cúng tổ tiên, mâm cỗ miền Bắc hầu như gồm những món ăn mang đậm hương sắc dân tộc Việt.

Khi nấu ăn, các gia vị được điều chỉnh vừa phải, có sự tương hỗ với nhau. Không cay xé lưới như món miền Trung, cũng không ngọt như món của người miền Nam. Tổng hòa lại thì món ăn Bắc Bộ thanh tao và đầy tinh tế.

Ngoài những món thưởng thức tại chỗ, thì bạn có thể mua những món đặc sản miền Bắc sau về làm quà: bánh cốm, thịt trâu gác bếp, bánh chả, ô mai sấu,…

van-hoa-am-thuc-viet-nam-1

Tham khảo thêm: Điểm danh những loại bánh kẹo đặc sản Việt Nam nổi tiếng nhất 

Ẩm thực miền Trung – đậm đà, cay nồng vị quê hương

Ẩm thực miền Trung là mảnh ghép thứ hai trong bức tranh văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nói đến các món ăn miền Trung, chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ ngay đến cái vị cay nồng nàn. Người miền Trung có thói quen ăn cay và hầu hết các món ăn nơi đây đều sử dụng gia vị ớt. Những bữa ăn của người dân nơi đây luôn có một chén mắm tỏi ớt hay ớt tươi đi kèm.

Nền ẩm thực Trung Bộ là sự giao thoa của cái mặn nồng từ miền Bắc và ngọt ngào của miền Nam. Và khi nói đến ẩm thực miền Trung thì không thể bỏ qua được sự nhã nhặn, tỉ mỉ trong những món ăn xứ Huế. Huế được xem là nơi bắt nguồn cho nền ẩm thực Nam Bộ.

Chắc hẳn ai đã từng đến với miền Trung sẽ say đắm những món ăn đơn giản nhưng không kém phần đậm đà nơi đây. Mì Quảng, bánh xèo, cá nục hấp rau muống, cao lầu Hội An, nem nướng Nha Trang, nem lụi Huế,… luôn là những món ăn hấp dẫn níu chân khách phương xa.

van-hoa-am-thuc-viet-nam-3

Tham khảo thêm: Trung Thu ăn gì? Những món đặc trưng tết Trung thu của người Việt

Ẩm thực miền Nam – ngọt ngào, đậm chất mộc mạc

Văn hóa ẩm thực Việt Nam được hoàn thiện, phong phú hơn với ẩm thực miền Nam. Người miền Nam chân chất, ngọt ngào bao nhiêu thì những món ăn của họ cũng chịu ảnh hưởng không kém. Cách thức chế biến món ăn của họ rất gần gũi, bình dị và đơn sơ. Hương vị thường thấy trong các món miền Nam là cái béo và vị ngọt. Họ dùng nhiều đường và nước cốt dừa trong chế biến món ăn.

Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên nguồn thủy sản nơi đây luôn dồi dào theo các mùa trong năm. Do vậy, mà khi nói đến ẩm thực miền Nam, người ta sẽ nhắc ngay đến những món ăn hấp dẫn mùa nước nổi như lẩu cá linh bông điên điển, lẩu cá mắm, gỏi sầu đâu cá khô sặc,… Các món ăn đặc sản cũng nổi tiếng không kém như cơm tấm Sài Gòn, gỏi cuốn tôm thịt, đuông dừa, bánh pía Sóc Trăng, bánh tằm bì,…

van-hoa-am-thuc-viet-nam-4

Tham khảo thêm: Top 4 loại rau độc lạ, đặc sản miền Tây mùa nước nổi

3. Lời kết

Như vậy, với mỗi vùng miền, dựa trên nguyên liệu và cách chế biến khác nhau sẽ tạo nên những món ăn đặc trưng vùng miền riêng. Những chia sẻ trên chỉ là một phần rất nhỏ trong những tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam. Còn rất nhiều điều thú vị về văn hóa ẩm thực các vùng miền Việt Nam đang chờ bạn khám phá. Vì vậy, bạn hãy tạm gác lại những lo toan bộn bề thường nhật, để thử trải nghiệm đi dọc từ Bắc vào Nam để thưởng thức những món ăn ngon của 3 miền. Đất nước Việt Nam xinh đẹp của chúng ta luôn chứa đựng vô vàn những điều tốt đẹp mà bạn chưa trải nghiệm hết đấy!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *