Với mỗi người dân Việt Nam thì Tết Nguyên Đán cổ truyền luôn có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Đó là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần, sum họp bên nhau, gạt hết mọi bận rộn, lo toan của cuộc sống thường nhật để đoàn tụ bên mâm cơm Tết. Và trên mâm cơm đoàn viên ấy, chắc chắn không thể thiếu được những món bánh Tết truyền thống tự bao đời.
Nếu như người miền Bắc quây quần bên nồi bánh chưng xanh thì người miền Trung náo nức đón xuân với bánh tổ, bánh in,… còn mâm cơm Tết người miền Nam lại thơm mùi bánh tét. Hoà trong không khí vui tươi đón xuân mới, Hoaqua.org xin giới thiệu tới bạn đọc các loại bánh Tết truyền thống độc đáo của 3 miền trên cả nước và ý nghĩa thiêng liêng của chúng.
1. Bánh Tết truyền thống miền Bắc
1.1. Bánh chưng dẻo thơm
Tết cổ truyền mà thiếu bóng bánh chưng thì có lẽ sẽ không thể trọn vẹn. Bánh chưng là một món bánh Tết truyền thống của miền Bắc và không thể thiếu trong mỗi gia đình người miền Bắc dịp Tết. Đất nước đã trải qua những năm tháng khó khăn, đời sống nhân dân giờ đã đủ đầy, những câu chuyện thiếu ăn thiếu mặc chỉ còn trong tiềm thức. Món bánh chưng vốn chỉ có trong dịp Tết giờ cũng được ăn quanh năm suốt tháng. Nhưng đặc biệt ở chỗ, vào ngày Tết Nguyên Đán, món bánh này sẽ được làm tỉ mỉ, nâng niu hơn để thành kính dâng lên ông bà tổ tiên. Đồng thời cũng để mọi thành viên trong gia đình có thể thưởng thức những miếng bánh chưng dẻo thơm một cách trọn vẹn nhất bên bữa cơm đoàn viên.
Món bánh này được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ với lớp vỏ màu xanh của lá dong bao bọc bên ngoài. Tương truyền bánh chưng có từ thời vua Hùng. Bánh có hình vuông tượng trưg cho đất. Những sợi lạt buộc chặt bên ngoài thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của những thành viên trong gia đình cũng như sự gắn kết của toàn dân tộc. Phần nhân bên trong bánh cũng mang ý nghĩa sâu xa. Từ nguyên gạo nếp tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước của Việt Nam. Lá dong bọc lấy nhân tượng trưng cho ơn sinh thành, bao bọc của cha mẹ. Bánh chưng tuy đơn giản nhưng luôn hiện hữu trong tâm hồn mỗi người con Việt Nam, khiến cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc trọn vẹn hơn.
Tham khảo thêm: Xuân đậm vị với những đồ ăn vặt Tết thơm ngon dưới đây
1.2. Bánh phu thê ngọt bùi
Bánh phu thê cũng là một loại bánh Tết truyền thống của người miền Bắc, nhất là ở Bắc Ninh – quê hương của những chiếc bánh ngọt bùi vàng ruộm này. Cùng với bánh cốm, bánh phu thê đã trở thành loại bánh đặc sản tự hào của Bắc Bộ. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về người dân lại cùng nhau chuẩn bị những cặp bánh thơm ngon với mong ước cho cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Bánh phu thê truyền thống được gói bằng hai thứ lá, bên trong là lá dong hoặc lá chuối, bên ngoài lá lớp lá dừa. Loại gạo làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Bánh phu thê mang ý nghĩa tượng trưng cho lòng chung thuỷ son sắt của các cặp vợ chồng. Phần bột mỏng ôm lấy nhân đậu xanh bên trong thể hiện sự chở che ấm áp của tình nghĩa vợ chồng.
Hương thơm, độ dẻo của bánh được toả ra từ gạo nếp cái hoa vàng, độ dai của đu đủ, cộng với vị bùi béo của đậu xanh, dừa, vị ngọt của đường. Tất cả kết hợp với nhau tạo nên hương vị đặc trưng mang đến không khí xuân ngập tràn trên mâm cơm đoàn viên ngày Tết của mỗi gia đình.
2. Bánh Tết truyền thống miền Trung
2.1. Hương vị đậm đà của bánh tổ
Khám phá ẩm thực 3 miền luôn mang đến cho ta những điều bất ngờ. Không chỉ những món ăn thường ngày mà món ngày Tết cũng có sự khác biệt tinh tế giữa 3 miền. Cũng như miền Bắc, người miền Trung cũng có nhiều món bánh Tết truyền thống. Trong đó, có một món bánh hấp dẫn không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết đó là bánh tổ. Trên bàn thờ đem 30 Tết, không phải món nào cũng có thể dâng lên. Với món mặn, người dân Trung Bộ chỉ chọn mì Quảng hoặc đĩa xôi, món bánh thì là bánh tổ.
Bánh tổ là sự kết hợp giữa các nguyên liệu chính: bột nếp, đường nâu, gừng, mè trắng. Chúng được gói trong lớp lá chuối xanh mướt và đem đi hấp. Bánh tổ thường chỉ có vào dịp Tết, ngày thường sẽ khó tìm hơn. Loại bánh này có màu nâu sẫm như màu của đất, được đổ trong khuôn dày, hình vuông hoặc tròn. Đây chính là biểu tượng của “trời tròn đất vuông” theo quan niệm của người dân nơi đây. Bánh tổ không chỉ là món ăn ngon mà còn mang đậm nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của người miền Trung. Nhớ đến món bánh này cũng chính là nhớ về cội nguồn làng quê.
Tham khảo thêm: 5+ đặc sản vùng miền 2023 được săn đón nhất dịp Tết Quý Mão
2.2. Bánh cộ ngọt ngào
Bánh cộ hay còn được gọi là bánh in là một trong những món bánh đặc sản của xứ Huế và cũng là món bánh Tết truyền thống của người miền Trung. Bánh cộ được làm từ bột nếp, đậu xanh, đường, cùi dừa. Sau đó được ép, đúc thành khuôn, mặt đáy của bánh có khắc các chữ phúc, lộc, thọ. Bánh được gói trong giấy ngũ sắc. Không khí Tết Nguyên Đán tại Huế luôn mang đậm nét ẩm thực. Và chính sự hiện diện của bánh cộ nhiều màu sắc là dấu hiện nhận biết đầu tiên.
Tục truyền rằng, bánh cộ được dâng lên vua vào thời nhà Nguyễn vói ý nghĩa cầu chúc trường thọ. Và dần dần cho đến ngày nay bánh cộ đã trở thành đặc sản không thể thiếu vào mỗi dịp đầu năm. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, sự hiện diện của những chiếc bánh cộ góp phần tô điểm thêm màu sắc cho nền ẩm thực Huế. Bánh thường được dùng kèm với một ly trà nóng thì hương vị sẽ trọn vẹn hơn. Khi đến với Huế bạn cũng có thể mua thứ bánh đặc sản này làm quà đấy!
3. Bánh Tết truyền thống miền Nam
Bánh tét cổ truyền
Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Tết đến xuân sang là các gia đình Nam Bộ lại háo hức chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ,… để quây quần bên nhau gói bánh tét. Hình ảnh những đòn bánh tét từ lâu đã trở thành linh hồn Tết của người dân nơi đây.
Nếu như bánh chưng có nguồn gốc từ đời vua Hùng thứ 16 theo Sự tích bánh chưng bánh dày thì bánh tét lại gợi nhớ về vị vua Quang Trung tài ba. Ban đầu, loại bánh này được vua lệnh cho gói vào dịp Tết và đặt tên là bánh Tết. Trải qua bao năm tháng, bánh đã được đọc lái thành bánh tét như ngày nay.
Nguyên liệu để làm nên một chiếc bánh tét thơm ngon cũng giống như bánh chưng của miền Bắc. Điểm khác biệt là bánh tét được gói bằng lá chuối và có dáng hình trụ dài. Thời điểm luộc bánh là khoảng thời gian được mong chờ nhất, cả gia đình quây quần bên nhau. Những đứa trẻ cũng háo hức canh bánh, trò chuyện vui vẻ. Cứ thế, tình yêu thương hoà cùng hơi ấm bếp lửa lan toả tới từng căn bếp, nếp nhà. Năm này qua năm khác, những đứa trẻ Việt đã lớn lên như thế.
Tham khảo thêm: Chuyên mục Tết phần 3: Đặc sắc những món ăn Tết miền Nam
Bánh tét tượng trưng cho hình ảnh người mẹ đang bao bọc lấy con và sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Vào ngày Tết, sự hiện diện của bánh tét chính là lời nhắc nhở về công ơn sinh thành của cha mẹ. Ngày nay, bánh tét cũng được người dân Nam Bộ làm và ăn quanh năm, nhưng chiếc bánh tét ngày Tết mang ý nghĩa đặc biệt hơn cả. Mỗi dịp Tết, những người mẹ Nam Bộ gói bánh tét đong đầy yêu thương mong chờ con về để sum vầy. Những đứa con xa quê thấy bánh tét như thấy hình bóng người mẹ hiền, thôi thúc họ gác lại công việc bộn bề để lên đường trở về nhà.
4. Lời kết
Trên đây là các loại bánh Tết truyền thống của 3 miền Bắc, Trung, Nam được người người, nhà nhà yêu thích. Đất trời vào xuân, khắp 3 miền đào, mai, quất rộn ràng, người người tất bật đi sắm Tết. Và chắc chắn những chiếc bánh cổ truyền với những nguyên liệu gần gũi sẽ không thể thiếu trong danh mục cần chuẩn bị của các bà, các mẹ. Mỗi loại bánh mang hương vị riêng, nhưng đều chứa đựng hồn dân tộc và tấm lòng của những người mẹ, ẩn chứa niềm tự hào của những người con đất Việt. Không chỉ là món ăn ngon mà chúng còn chứa đựng bề dày lịch sử dân tộc, là nét đẹp truyền thống được người dân gìn giữ qua bao đời. Chỉ cần nhắc tới là bất giác mỉm cười cùng những ký ức đoàn viên, sum vầy bên bếp lửa.
Nếu như bạn quan tâm đến chuyên mục Tết, về những món ăn, món quà, đặc sản Tết thì hãy tiếp tục theo dõi Hoaqua.org nhé! Chúng tôi sẽ cập nhập thường xuyên những bài viết hay bổ ích khác. Chúc bạn và gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, mạnh khoẻ, hạnh phúc.