Chuyên mục Tết p4: Độc đáo món ăn Tết của đồng bào vùng cao

Tết Nguyên Đán là dịp để mọi người sum vầy bên gia đình, là khoảng thời gian mà mỗi người con xa quê đều háo hức trông ngóng, đếm từng ngày được trở về dưới mái nhà thân yêu, được quây quần bên mâm cơm ngày Tết ấm áp. Ẩm thực ngày Tết luôn là một nét văn hóa hết sức đa dạng, phong phú, mang đậm dấu ấn vùng miền và đậm chất Việt. Bên cạnh mâm ngũ quả thì mỗi vùng miền lại có những đặc sản, những món ăn truyền thống mang phong vị riêng. Không chỉ ẩm thực miền xuôi mà các món ăn Tết của các đồng bào dân tộc vùng cao cũng có nét riêng độc đáo, mang đậm hương vị núi rừng. Hãy cùng Hoaqua.org tìm hiểu những món ăn độc lạ của người dân vùng núi nhé!

1. Món ăn Tết của người vùng cao có gì đặc biệt?

Văn hóa, phong tục tập quán của những người dân tộc vùng cao luôn gây sự thích thú, tò mò và ẩm thực cũng vậy. Và đặc biệt là ẩm thực truyền thống vào ngày Tết lớn nhất của đất nước. Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên khắp các bản làng vùng cao lại tưng bừng không khí lễ hội và khiến lòng người say đắm bởi sắc hoa đào, hoa mận ngập tràn núi rừng, bản làng. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sức hút đến từ những món ăn đặc sản “độc nhất vô nhị”, gây ấn tượng ngay từ lần đầu thưởng thức.

Các món ăn Tết cổ truyền của đồng bào nơi đây thường được chế biến khá cầu kỳ, tẩm ướp các loại gia vị tự nhiên từ núi rừng đem lại hương vị riêng biệt. Dưới đây là những món ăn Tết của người dân các dân tộc miền núi độc đáo, thơm ngon, lạ miệng.

1.1. Thịt trâu gác bếp

Đến với vùng núi rừng Tây Bắc, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp rất đặc biệt. Người dân thường gọi đây là món “mực rừng” bởi trước khi ăn cần nướng, đập rồi dùng tay xé thành từng miếng nhỏ chấm với chẩm chéo. Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, được dùng trong ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng. Ngày nay, nó đã trở thành đặc sản Tây Bắc nổi tiếng, được người dân nơi đây dùng trong những bữa ăn thường ngày và được khách miền xuôi rất yêu thích.

Đồng bào miền núi thường mổ nguyên một con trâu, lợn hay bò để ăn mừng năm mới. Các phần thịt tươi sẽ được chế biến thành những món ăn khác nhau. Còn phần thịt đùi và thịt thăn sẽ được tẩm ướp gia vị và đem đi treo bếp cho khô lại thành món thịt trâu gác bếp. Món ăn này được người dân vừa để nhâm nhi ngày Tết vừa làm món đãi khách thăm nhà. Thịt trâu đậm đà như chính tình nghĩa của người dân bản địa với du khách thập phương. Đừng bỏ lỡ món ăn Tết ngon này khi đến vùng Tây Bắc bạn nhé!

mon-an-tet-1

Tham khảo thêm: Những đặc sản làm nên các món ăn đặc sắc ẩm thực vùng cao

1.2. Cơm lam

Cơm lam là đặc sản của nhều đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc và là món ăn Tết truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Cơm lam mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Đồng bào dân tộc nơi đây quan niệm: Nhờ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mới có được hạt gạo dẻo thơm để làm cơm lam. Vì thế mà cơm lam được coi như thành quả sau một năm lao động vất vả, là món ăn đặc biệt để dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết với mong ước sang năm mới mùa màng bội thu và gia đình ấm no, hạnh phúc.

1.3. Bánh chưng đen

Nếu như bánh chưng xanh, bánh tét là nét đẹp ẩm thực ngày Tết của người miền xuôi thì một số dân tộc vùng cao như người Thái, người Tày,… lại có món bánh chưng đen vô cùng hấp dẫn, lạ mắt. Bánh chưng đen mang đậm hương sắc núi rừng và thể hiện sự sáng tạo, thành kính của những đồng bào nơi đây. Để tạo ra màu đen của bánh chưng, người dân đã sử dụng tro đốt rơm cùng một số loại cây rừng. Thứ màu đen bóng của tro ngấm vào từng hạt gạo nếp căng mọng, dùng tau miết vẫn ven nguyên màu đen. Nhân bánh chưng đen gồm thịt lợn, đỗ xanh và được gói lại thành đòn như bánh tét. Khi cắt miếng bánh ra sẽ thấy phần vỏ dẻo quánh với nhân vàng ươm dậy mùi thơm của cây cỏ núi rừng. Cứ như thế, thực khách cũng đã đủ ngây ngất và bị mê hoặc bởi món ăn Tết này.

mon-an-tet-2

Tham khảo thêm: Chuyên mục Tết: Món ăn Tết miền Bắc đậm đà hương vị xưa

1.4. Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắcmón ăn Tết cổ truyền không thể thiếu trong những mâm cơm ngày Tết. Bằng các thứ lá cây rừng và gạo nếp nương, người dân Tây Bắc đã sáng tạo ra một món ăn đẹp mắt và độc đáo. Những màu sắc dùng để tạo màu cho gạo đều được lấy từ những loại quả, cây cỏ tự nhiên: màu trắng vốn có của nếp, màu đỏ của gấc, màu xanh của lá cây cơm xôi, màu vàng của nghệ, màu tím của nếp cẩm,… Tùy từng vùng hoặc truyền thống của từng dân tộc mà sẽ có 5 màu xôi có thể khác nhau.

Tuy nhiên, xôi ngũ sắc thường gồm 5 màu phổ biến nhất là đỏ, xanh, trắng, tím, vàng tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ mang ý nghĩa của khát vọng. Màu xanh tượng trưng cho núi rừng, cầu mong đất đai tươi tốt. Màu vàng là no ấm, đủ đầy. Màu tím nói lên sự trù phú của đất đai. Màu trắng tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu. Người Tây Bắc quan niệm màu sắc của xôi càng đẹp càng tượng trưng cho sự phát đạt, thịnh vượng. Với hình thức bắt mắt, độ dẻo thơm khó lẫn cùng ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng, xôi ngũ sắc đã trở thành món ăn làm nên bản sắc cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

mon-an-tet-3

Tham khảo thêm: Món ăn đặc trưng của người Hoa trong dịp Tết ở Việt Nam 

1.5. Khâu nhục

Khâu nhục là món ăn đặc sản quen thuộc vào dịp lễ tết, đám cưới, đám hỏi,… của các đồng bào dân tộc vùng núi cao. Đây là món ăn được làm từ thịt ướp cùng các loại gia vị như ngũ vị hương, húng lìu, ớt, tỏi, địa liền, giấm,… Sau đó mang đi hấp cách thủy đến nửa ngày để thịt mềm thật mềm. Khi ăn đem đến cảm giác tan ngay trong miệng.

Đối với bà con miền núi, đặc biệt là người dân tộc Tày, Nùng, khâu nhục là món ăn tuy dân dã nhưng mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Điều này thể thiện ở ngay cách bày trí miếng thịt theo dạng quả đồi nhỏ, mang ý nghĩa cho sự no đủ, tràn đầy, lớn mạnh trong tương lai. Chính vì thế đây là món ăn Tết không thể thiếu trong những mâm cơm, mâm cỗ ngày Tết.

2. Lời kết

Những bữa cơm ngày Tết là những khoảnh khắc hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người trong gia đình lại với nhau, cùng ôn lại chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Bởi thế, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người con đất Việt, dù ở nơi đâu, xa xôi thế nào thì mâm cơm ngày Tết luôn mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Và những đồng bào vùng cao cũng không ngoại lệ. Những món ăn Tết vùng cao không chỉ độc lạ trong nguyên liệu, cách chế biến mà còn mang hương vị độc đáo, đặc trưng cho văn hóa ẩm thực vùng cao. Đặc biệt là chúng còn mang những ý nghĩa biểu tượng hết sức thiêng liêng.

Bạn hãy lưu lại những món ăn trên để khi có dịp đặt chân đến những vùng núi rừng thì nhất định phải thử qua một lần nhé! Chúc bạn và gia đình một năm mới thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và có những khoảnh khắc thật ý nghĩa bên nhau!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *